Thứ Tư, 13 tháng 10, 2010

“Hai ngón chân” nghị lực


  Trong ngôi nhà xập xệ được dựng tạm bợ, 18 năm nay Huỳnh Thị Mỹ Thảnh (huyện Hương Trà, Tỉnh Thừa Thiên Huế) lớn lên bằng những bữa cơm, bữa cháo nhưng cũng chừng năm đó Thạnh đã vẽ nên những bức tranh đủ màu sắc chứa đựng những ước mơ của mình.

Ngôi nhà chồng chất nỗi đau

Mỹ Thảnh là cô con gái út trong gia đình sinh ra gồm 4 anh chị em trong số đó chỉ có người chị đầu lớn lên tỉnh táo và đã lấy chồng đi làm thuê mãi tận trong TPHCM, còn 3 đứa con sau đứa nào cũng bị di chứng của chất độc màu da cam ngay từ trong bụng mẹ. Chị Huỳnh Thị Liên mẹ cháu Thảnh (ngụ ở thôn Hải Tân, xã Hương Bình, Huyện Hương Trà, Tỉnh Thừa Thiên Huế) xót xa kể lại: “Chưa tròn một tháng tuổi người anh và chị sinh đôi của bé thảnh đã qua đời. Hồi xưa do thiếu cái ăn nên tui thường hay vào rừng khu vực xung quanh tiểu khu của Mỹ trước kia làm kho chứa đạn, vũ khí, chất độc.trời mưa xuống, nước đọng lại ở những thùng đạn, gặp lúc khát nước, thế là cứ “vô tư” uống, chứ đâu biết để lại hậu quả cho con cái mình sau này”.

Mẹ của Thảnh vốn quê gốc ở vùng biển, theo tiếng gọi đi xây dựng vùng kinh tế mới với hy vọng cuộc sống đỡ nghèo cực hơn thế nhưng hơn 20 năm nay cuộc sống của gia đình vẫn ngập trong cảnh đói khổ.



Trong ngôi nhà của bé Thảnh, còn có bà ngoại năm nay tuổi đã ngoài 80 cũng “ăn một chỗ, nằm một chỗ”. Vì thế, mọi sinh hoạt cá nhân, vệ sinh thân thể đều đổ dồn lên lưng chị Liên - người đàn bà đã ngoài 53 tuổi ốm đau triền miên.

Ngày nắng thì còn đỡ, nhưng hễ cứ mỗi khi mùa mưa về, ngôi nhà bé xíu phải chống chịu với mưa gió, bão lũ. Cứ mưa là dột trên dột xuống, nước tạt từ góc nhà này qua góc nhà kia. Thế nhưng, mình chị Liên vẫn phải chèo chống, kiếm cái ăn cho cả nhà. Chia sẻ với chúng tôi, chị nói: “Tiền thức ăn hàng ngày cho mẹ tôi và con bé Thảnh còn không có, nói chi đến chuyện sửa nhà. Gần 10 năm nay, đi vay nợ người ta, nhưng họ cũng đâu dám đòi, vì đòi cũng không có. Nghĩ cũng xấu hổ lắm nhưng biết làm răng chừ. Một tay phải chăm sóc hai người bệnh, còn làm ăn được chi nữa. Cả ngày cứ đau đau lo mẹ hoặc con gái mất đi”, giọng chị Liên nghẹn lại. Mọi chi tiêu ăn uống của cả nhà đều trông chờ vào số tiền trợ cấp ít ỏi 240.000 đồng/tháng của hai bà cháu.

 

 Với bé Mỹ Thảnh, vẽ tranh giống như một liều thuốc giúp bé giảm bớt nỗi đau trong lòng và cũng là cách làm vơi bớt nỗi buồn cho mẹ...
 

Vẽ ước mơ bằng… hai ngón chân
 

Bé Mỹ Thảnh năm nay đã 18 tuổi nhưng trông chẳng khác gì một bé mới lên 10. Bé không biết chữ, nói cũng không được nhiều tiếng cùng lúc, phát âm cũng không chuẩn, lúc được lúc không nhưng bé lại có đam mê vẽ và vẽ bằng cả tấm lòng, vẽ bằng tất cả những nghị lực phi thường của mình. Mỹ Thảnh khoe: “Em thích nhất là vẽ ngôi nhà, trong mấy năm qua em cũng vẽ được nhiều bức tranh lắm đây nè, chú xem đi, em còn vẽ cả các bạn học nữa đó”.

 

Do bị di chứng chất độc da cam để lại nên bé Thảnh trông rất tội nghiệp, trên xe lăn chị Liên phải lấy dây buộc ngang người để bé khỏi ngã xuống, nhiều lần bị ngã dập cả mặt, tím cả người mà bé vẫn cố trườn xuống nền nhà lăn lóc để tập tọe học vẽ. Toàn thân bị tê cứng, duy chỉ có 2 ngón chân có thể cử động nên những ngày đầu tập vẽ bé Thảnh gặp rất nhiều khó khăn từ cách cầm bút cho đến cách pha trộn màu vẽ bé đều tự mình mày mò học vẽ.

 

Đứng nhìn bé Thảnh tự xoay người tìm bút vẽ, giấy, pha màu trộn vẽ, thỉnh thoảng lại co lên giật xuống để hoàn thành bức vẽ tôi không khỏi ái ngại, thương xót. Bé nói thật khó khăn nhưng Thảnh không giấu vẻ hồ hởi, dễ thương: “Đấy, chú xem cháu vẽ có đẹp không? Cháu chỉ mong các bức tranh của mình có người mua rồi bán đổi có tiền trang trải cho mẹ trả nợ người ta, mua thuốc cho ngoại thôi”.

 

Khi chúng tôi hỏi vì sao bé lại thích vẽ nhà, Thảnh cười nói: “Bé vẽ ngôi nhà thật to, thật đẹp để mùa mưa cả nhà sẽ không còn phải sợ dột nữa, mẹ và ngoại sẽ có chỗ nằm ngủ chứ giờ nhà em bị thấp ẩm mưa là tạt nước vào…”-  nói tới đó chị Liên ngồi bên không cầm được nước mắt, chạnh lòng.

 


Bức tranh hai cô công chúa và hai người hầu...

 


...cung bức tranh “Hai người hò hẹn”. Đây là hai trong số những tác phẩm vẽ bằng hai ngón chân của Mỹ Thảnh.

 

Phần lớn các bức tranh bé Thảnh vẽ đều xoay quanh chủ đề: gia đình, người thân, bạn bè, cây cối, con vật… trong đó có cả các bức tranh bé Thảnh xem trên ti vi thấy người ta hay đi uống cà phê, ngồi bên bếp lửa, và có cả công chúa. Giơ khoe bức tranh đôi nam nữ đang ngồi trên ghế; trên bàn là chiếc lọ hoa và ly nước, bé Thảnh giải thích: “Bé thấy trên ti vi có nhiều người như rứa nên em đặt tên bức ảnh là “Hai người hò hẹn” nhau, ở cạnh đó, bức tranh 2 cô công chúa xinh đẹp có người hầu đi bên cạnh trông cũng rất ngộ nghĩnh rất đẹp với các màu xanh, đỏ, hồng… 

 

Với bé Mỹ Thảnh, vẽ tranh giống như một liều thuốc giúp bé giảm bớt nỗi đau trong lòng, ở đó bé có thể tự vẽ nên cho mình một thế giới riêng không ai có thể động vào, ở đó bé vẽ nên khung cảnh gia đình rất hạnh phúc, có bà ngoại, có mẹ bế bồng dẫn bé đi chơi khắp làng; ở đó bé có thể hòa mình chơi với các bạn bè cùng trang lứa mà không bị sợ trêu chọc, giúp bé quên đi nỗi đau về thân thể mỗi lúc trái gió trở trời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét